Tết Nguyên đán là ngày lễ truyền thống lớn nhất, lâu đời nhất của dân tộc Việt Nam. Đây là dịp đoàn viên của những người con xa quê, là cơ hội để gia đình sum họp, người thân, bạn bè gặp mặt, cùng chúc nhau những điều tốt đẹp trong năm mới.
Và Tết chính là dịp giúp người Việt ta gìn giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những nét văn hóa đặc sắc nhất trong mùa Tết Nguyên đán của người Việt ta.
Thăm mộ gia tiên, tri ân cội nguồn
Các cụ ta có câu: “Con người có tổ có tông. Như cây có cội, như sông có nguồn”.
Truyền thống tâm linh người Việt tin rằng, năm mới đến là sự khởi đầu của mọi điều mới nên tất cả đều cần được trang hoàng, ngay cả nơi an nghỉ của ông bà, tổ tiên.
Do vậy bắt đầu từ khoảng rằm tháng chạp là người dân ở các địa phương sẽ cùng con cháu ra thăm phần mộ gia tiên, sửa sang, bài trí hay trồng thêm hoa mới. Đây không chỉ là phong tục lâu đời của Người Việt mà còn thể hiện nét đẹp của “đạo hiếu” trong văn hóa Việt Nam; bày tỏ sự thành kính tri ân, tưởng nhớ cội nguồn cũng là cầu nối giao thoa giữa người hiện hữu và người đã khuất. Đồng thời cũng là dịp để chỉ dạy cho các thế hệ cháu con nét đẹp văn hóa của dòng họ, luôn ghi nhớ công ơn của các đấng sinh thành.
Trang trí, sửa soạn nhà cửa sáng bừng sắc Xuân
Người Việt quan niệm, Tết là phải tinh tươm, sạch sẽ. Do vậy mà sau một năm bận rộn, Tết là dịp để cả gia đình, lớn bé hội ngộ, cùng nhau lau dọn nhà cửa, sắp xếp sân vườn; trang hoàng ban thờ gia tiên, phòng khách sao cho thật gọn gàng, thật rực rỡ.
Công việc dọn dẹp ngày Tết còn có ý nghĩa quan trọng, để chuẩn bị tiễn năm cũ đi và đón năm mới đang tới với nhiều niềm vui, niềm hy vọng mới.
Tùy theo văn hóa vùng miền, mỗi gia đình sẽ chọn cho mình những tiểu cảnh, hoa trái và trưng lên chơi suốt những ngày Tết.
Gói bánh chưng, bánh tét – Nét đẹp không thể thiếu trong Tết Nguyên đán
Bánh chưng, bánh tét là thức bánh truyền thống từ thời Hùng Vương, một thức bánh gắn liền với nền văn minh lúa nước và thuận mỹ với người Việt ta.
Cứ mỗi dịp Tết đến, dù giàu hay nghèo, dù nông thôn hay thành thị, ai nấy cũng đều phải lo cho được một nồi bánh chưng để tạ ơn trời đất, tạ ơn Mẹ thiên nhiên và gia tiên tiền tổ đã cho mưa thuận gió hòa, cho năm hết Tết sang nhà nhà an ấm.
Có thể nói, bánh chưng còn là đặc sản, là tinh hoa ẩm thực Việt. Trong mỗi chiếc bánh chưng hội tụ đủ hương thơm của vùng miền; hương lá dong, hương gạo nếp, đậu xanh, hương thịt mỡ, tiêu cay,…vv, hòa quyện trong lửa củi để cho ra hương vị đặc trưng chỉ Việt Nam mới có.
Gói bánh chưng và công tác chuẩn bị luôn là khoảng thời gian đầy háo hức của trẻ nhỏ. Mỗi người một việc, từ rửa lá, vo gạo, đến chẻ giang, đãi đỗ,…tất cả tạo nên không khí đoàn viên, ấm áp đầy yêu thương.
Vì thế gói bánh chưng là một nét đẹp không thể thiếu trong Tết Nguyên đán.